Tìm hiểu về thừa phát lại

Thừa phát lại là gì?

Câu hỏi:

Xin được hỏi thừa phát lại là gì? sao không gọi là chấp hành viên như thi hành án nhà nước, tương tự như công chứng nhà nước và công chứng tư nhân? Đã có thi hành án dân sự của nhà nước rồi, nay có thêm thừa phát lại thì đây có phải là thi hành án tư nhân không? (bạn đọc Nguyễn Văn Lâm, ở quận Ba Đình, Hà Nội)

 

Trả lời:

Chức danh Thừa phát lại đã có ở nước ta từ trước đây rất lâu trong suốt thời kỳ pháp thuộc, những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám ở miền Bắc và ở miền Nam cho đến năm 1975. Thừa phát lại là công lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và quản lý, hành nghề trên cơ sở quy định của pháp luật, được hưởng thù lao của khách hàng theo biểu giá quy định; trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của những công chức có trách nhiệm như: Chưởng Lý, Biện Lý, Thẩm Phán, Lục Sự.

Ngày nay, trong bối cảnh cải cách tư pháp, Đảng và nhà nước ta chủ trương thực hiện thí điểm chế định này. Theo quy định hiện hành, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, được nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện một số công việc theo quy định. Hiện nay chức năng của Thừa phát lại gồm có: Tống đạt văn bản; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiêp tổ chức thi hành án. Như vậy, Thừa phát lại có chức năng rộng hơn so với Chấp hành viên cơ quan thi hành án. Vì vậy, nếu gọi là Chấp hành viên tư sẽ không sát.

Về tên gọi “Thừa phát lại” là nội dung đã được thảo luận kỹ trong quá trình xây dựng đề án triển khai và xây dựng các văn bản pháp luật.

  • Viết bởi 
  • Lượt xem: 2852

Lập vi bằng_Họp gia đình về việc phân chia tài sản

Câu hỏi:

Bố tôi đang bị tai biến, hiện chưa tỉnh lại. Nhưng trước đó 1 tuần, biết sức khỏe mình yếu, ông có gọi 3 anh em chúng tôi đến nói về việc phân chia nhà đất. Vậy, nay chúng tôi có thể nhờ thừa phát lại lập vi bằng về việc phân chia tài sản của bố tôi không? 

 

Trả lời:

Trường hợp này có thể lập vi bằng về việc họp gia đình về việc phân chia tài sản của bố anh, chị cho các thành viên trong gia đình với nội dung là ý nguyện của bác, cũng như sự thỏa thuận và thống nhất về việc phân chia tài sản giữa các thành viên trong gia đình. Vi bằng trong trường hợp này chỉ mang tính chất định hướng cho các thành viên trong việc phân chia tài sản chứ không phải văn bản mang tính chất pháp lý về việc phân định tài sản thừa kế.

Nếu bác tỉnh lại, trong trạng thái hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, anh chị nên tìm đến dịch vụ công chứng để làm di chúc cho bác về việc phân chia tài sản thừa kế.

Theo nội dung câu hỏi của anh chị, chưa có thông tin cụ thể về việc mẹ của anh chị còn sống hay đã mất. Nếu mẹ của anh chị còn sống thì việc phân chia tài sản còn liên quan đến việc thừa kế của mẹ anh chị nữa nên nếu bác gái còn sống thì cần có sự thống nhất ý kiến của bác trong việc phân chia tài sản này.

  • Viết bởi
  • Lượt xem: 754

Lập Vi bằng_Ghi nhận hiện trạng bàn giao nhà không đúng tiến độ

Câu hỏi:

Tôi nộp tiền mua nhà chung cư, theo tiến độ ban đầu thì tháng 10-2014 chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà. Nhưng đã quá thời hạn này mà họ vẫn chưa hoàn thiện xong các căn hộ. Tôi muốn lập vi bằng ghi nhận hiện trạng này để đòi bồi thường thiệt hại. Xin hỏi chi phí như thế nào? (Lê Minh, Hoàn Kiếm, HN)

 

Trả lời:

Trường hợp này hoàn toàn có thể lập vi bằng ghi nhận hiện trạng một cách khách quan và trung thực hiện trạng nhà để làm chứng cứ trong quá trình tố tụng, làm căn cứ để bồi thường thiệt hại do việc chậm tiến độ thực hiện dự án.

Chi phí lập vi bằng, tùy thuộc vào thời gian, địa điểm lập vi bằng, theo sự thỏa thuận giữa bạn và Văn phòng Thừa phát lại.

Bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình để được tư vấn trực tiếp.

 

 

  • Viết bởi
  • Lượt xem: 731

Thẩm quyền, phạm vi lập Vi bằng

Câu hỏi:

Hỏi: Xin hỏi, chúng tôi có thể nhờ Thừa phát lại lập vi bằng về việc họp hội đồng quản trị không? Nội dung lập trong vi bằng có bị lộ ra ngoài không? Nếu lộ ra thì thừa phát lại chịu trách nhiệm như thế nào?

 

Trả lời:

 Điều 25 Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng như sau:

“1. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.

Như vậy, ngoài những trường hợp các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và các trường hợp quy định tại Điều 6 Nghị định này về những việc Thừa phát lại không được làm, cụ thể:

“1. Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

2. Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

3. Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

4. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật”.

Họp hội đồng quản trị là 1 trong số những nội dung Thừa phát lại có thể lập vi bằng. Ngoài quy định của pháp luật về bảo mật thông tin về việc thực hiện công việc của mình, chúng tôi cam kết bảo mật nội dung cuộc họp của quý khách hàng, nội dung bảo mật được ghi nhận trong Hợp đồng dịch vụ (về việc lập vi bằng), nếu vi phạm sẽ thực hiện theo các quy định của Pháp luật.

  • Viết bởi
  • Lượt xem: 845

Thừa phát lại có thể cưỡng chế để buộc thi hành án

Câu hỏi:

Thừa phát lại có thể cưỡng chế để buộc thi hành án không?

 

Trả lời:

Trong chức năng Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể phối hợp với các cơ quan thi hành án, các cơ quan chính quyền để thực hiện việc cưỡng chế buộc thi hành án. Việc cưỡng chế Thi hành án được quy định tại Điều 40 Nghị định 135/2013/NĐ-CP cụ thể như sau:

Điều 40. Áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp huy động lực lượng bảo vệ

1. Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

2. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế thi hành án; trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có ý kiến trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại.

Trường hợp không nhất trí thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

3. Sau khi được phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và quy định của Nghị định này về cưỡng chế thi hành án”.

  • Viết bởi
  • Lượt xem: 788