Công văn 138/TANDTC-KHTC 2014 V/v hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thực hiện thí điểm Thừa phát lại

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————————————

Số: 138/TANDTC-KHTC
V/v hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thực hiện thí điểm Thừa phát lại

Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2014

 

Kính gửi: Chánh án Tòa án nhân dân ………………

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân;

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc Hội khóa 13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

Căn cứ Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội ngày 23/11/2012;

Tòa án nhân dân tối cao đề nghị các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, thực hiện đúng các văn bản nêu trên, đồng thời thực hiện một số nội dung sau đây:

I. Một số vấn đề chung

1. Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo Chương X của Bộ luật tố tụng dân sự; Chương VII Luật tố tụng hành chính; Bộ luật tố tụng hình sự đối với bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng, cơ quan, tổ chức…. và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đối với trường hợp văn bản tố tụng trong lần thứ nhất đương sự đã nhận được và có đơn xin vắng mặt (vì lý do khách quan, vì bất khả kháng…) được coi là vắng mặt có lý do chính đáng thì Tòa án ban hành văn bản tố tụng tiếp tục gửi, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng lần thứ hai.

3. Các Tòa án giao văn bản cho Thừa phát lại thực hiện tống đạt phải thực hiện theo đúng thời gian ghi trong hợp đồng để bảo đảm thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc kế hoạch giải quyết vụ án của thẩm phán chậm nhất ba ngày kể từ khi nhận được yêu cầu của Tòa án, Văn phòng Thừa phát lại phải trả kết quả cho Tòa án yêu cầu trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Việc tống đạt hoàn thành khi Văn phòng Thừa phát lại giao kết quả đã tống đạt hợp lệ theo quy định của pháp luật tố tụng cho Tòa án. Trường hợp không thể thực hiện được việc tống đạt thì Văn phòng Thừa phát lại phải thông báo ngay cho Tòa án đã ký hợp đồng để tiến hành xử lý theo quy định.

II. Việc ký hợp đồng dịch vụ

Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Giám đốc Sở Tư pháp thống nhất địa hạt để các Văn phòng Thừa phát lại ký kết hợp đồng dịch vụ với Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn (trừ các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao).

III. Thủ tục giao văn bản và nhận kết quả tống đạt văn bản

1. Mỗi Tòa án phải thiết lập các loại sổ sách để quản lý việc giao nhận văn bản tống đạt; các loại sổ bao gồm: Sổ giao, nhận các văn bản trong địa bàn nơi có trụ sở; số giao, nhận các văn bản ngoài địa bàn nơi có trụ sở (phân loại trên địa bàn trong tỉnh, các tỉnh khác); sổ giao nhận văn bản tống đạt là Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của đương sự.

2. Thời điểm giao văn bản tống đạt và nhận kết quả tống đạt từ 16 giờ đến 17 giờ mỗi ngày làm việc.

3. Văn phòng Thừa phát lại sau khi thực hiện xong việc tống đạt, giao kết quả cho Tòa án phải có bảng kê để làm cơ sở thanh toán. Phía dưới của bảng kê cần ghi tên của Thẩm phán đã ký văn bản tố tụng hoặc Thẩm phán-chủ tọa phiên tòa và chữ ký xác nhận của Thẩm phán hoặc lãnh đạo Tòa án.

IV. Chi phí tống đạt văn bản tố tụng

1. Chi phí tống đạt do ngân sách Nhà nước thanh toán theo quy định của Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao nêu trên, trừ trường hợp tống đạt Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do đương sự yêu cầu theo quy định của pháp luật về tố tụng. Chi phí tống đạt bao gồm cả thuế giá trị gia tăng. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Cục thi hành án dân sự và Sở Tư pháp thống nhất, quyết định cụ thể mức chi phí tống đạt áp dụng với từng quận, huyện trên địa bàn để làm cơ sở xác định chi phí tống đạt.

2. Một số trường hợp cụ thể cần lưu ý khi xác định chi phí tống đạt:

a. Trong phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại không quá 65.000đ/việc/văn bản; trường hợp tống đạt từ hai văn bản trở lên cho cùng một người và cùng một thời điểm thì tính tống đạt một văn bản; trường hợp tống đạt cho nhiều người nhưng ở cùng địa chỉ trong phường, xã, thị trấn vào cùng thời điểm thì tính không quá 30.000đ cho người thứ hai trở đi.

b. Ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại (không quá 130.000 đ/việc): trường hợp tống đạt từ hai văn bản trở lên cho cùng một người vào cùng một thời điểm thì tính tống đạt một văn bản; trường hợp tống đạt cho nhiều người nhưng ở cùng địa chỉ trong phường, xã, thị trấn vào cùng một thời điểm thì tính không quá 30.000 đ cho người thứ hai trở đi.

c. Các trường hợp tống đạt ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi được làm thí điểm thừa phát lại) thì thực hiện theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/2/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.

V. Thanh toán chi phí tống đạt

1. Việc thanh toán được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/2/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.

2. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm lập bảng kê khối lượng công việc hoàn thành và hóa đơn tài chính giao cho Tòa án vào ngày 20 hàng tháng để đối chiếu với công việc đã giao, nhận. Sau khi kiểm tra, đối chiếu nếu kết quả đối khớp thì Tòa án thực hiện việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Việc chuyển khoản thực hiện vào ngày 25 hàng tháng. Trường hợp bảng kê và kết quả đã nhận không đối khớp thì Tòa án và Văn phòng thừa phát lại phải trao đổi để thống nhất.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo về Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Kế hoạch – Tài chính) để giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
– Các Tòa án thực hiện thí điểm thừa phát lại;
– Văn phòng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm thừa phát lại;
– Đ/c Chánh án TANDTC (để báo cáo);
– Các Đ/c Phó chánh án TANDTC (để phối hợp chỉ đạo);
– Tổng cục thi hành án Bộ Tư pháp (để biết);
– Lưu VP, Vụ KHTC, Viện KHXX.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN

Nguyễn Sơn